HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ CHIẾN LƯỢC
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SÀI GÒN

Hội đồng Khoa học và Chiến lược của Trường Cao đẳng Sài Gòn là đội ngũ cố vấn gồm các chuyên gia, nhà giáo uy tín trong nhiều lĩnh vực. Hội đồng đóng vai trò định hướng học thuật, nghiên cứu và chiến lược phát triển dài hạn của nhà trường. Với tầm nhìn sâu rộng và tư duy đổi mới, hội đồng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và gia tăng giá trị thực tiễn cho chương trình học.

Học giả - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Xanh

Các bạn trẻ à, “thế giới người ta đang chạy thì mình phải đi nhanh hơn…”

Chuỗi sự kiện kỷ niệm 24 năm thành lập Trường Cao đẳng Sài Gòn đã diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều vị khách mời uy tín, đặc biệt, ghi dấu ấn là phần phát biểu của Tiến sĩ Khoa học - Học giả Nguyễn Xuân Xanh. Ông đã chia sẻ và truyền động lực đến thế hệ trẻ những lý tưởng sống sâu sắc.

Ngày 21/3/2025, chuỗi sự kiện kỷ niệm 24 năm thành lập của Trường Cao đẳng Sài Gòn (SaigonTech) đã diễn ra trong không khí vô cùng trang trọng và ấm cúng, trong đó có sự góp mặt đặc biệt của Tiến sĩ Khoa học – Học giả Nguyễn Xuân Xanh, ông cũng là Thành viên Hội đồng Khoa học và chiến lược Trường Cao đẳng Sài Gòn.

Tại buổi lễ, Tiến sĩ đã có phần phát biểu vô cùng sâu sắc, thể hiện rõ tầm quan trọng của việc phát triển khoa học, phát triển công nghệ và chuyển đổi số. Từ đó, ông nhấn mạnh rằng thế hệ trẻ cần không ngừng xông pha, nỗ lực học tập, nghiên cứu khoa học để góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển của đất nước.

Thầy Nguyễn Xuân Xanh (đứng thứ 2 bên trái) chụp hình thảm đỏ trong sự kiện kỷ niệm 24 năm thành lập Trường Cao đẳng Sài Gòn

Bài phát biểu của Học giả - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Xanh

Hôm nay lần đầu tiên được góp mặt trong sự kiện như thế này và vinh hạnh đứng trước các bạn trẻ làm tôi rất cảm động. Tôi xin chia sẻ với các bạn đôi điều như sau:

Một truyền thống rất lâu đời của châu Âu khiến cho châu Âu rất phát triển đó là châu Âu không phát triển từ trên xuống dưới mà châu Âu phát triển từ dưới lên trên. 

Vào thế kỷ 13, bằng những dụng cụ thô sơ, đơn giản nhất, không có máy móc, không có gì cả nhưng người ta đã xây dựng được nhà thờ vĩ đại, chọc trời; rất nhiều các nghề nghiệp từ từ phát triển, dần dần được khoa học hoá cho tới khi ông James Watt hoàn thiện được máy hơi nước. Máy hơi nước này đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp chưa từng có trong lịch sử và trong nền văn minh. 

Cuộc cách mạng công nghiệp đó đã thay đổi đời sống, nâng mức sống vượt bậc của một xã hội nông nghiệp lúc bấy giờ. Cho tới năm 1800 (đầu thế kỷ 19) thì mức sống của người dân châu Âu và ở phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản) nó vận động với nhau. Nhưng sau đó một thời gian, chỗ nào có cách mạng công nghiệp thì nơi đó có đời sống và thu nhập tăng vọt. Đó cũng là cách mà phương Đông và phương Tây có 2 sự phát triển khác biệt rõ ràng.

Và cuộc cách mạng công nghiệp đó tiếp tục có ảnh hưởng lên các quốc gia/ lục địa châu Âu vào cuối thế kỷ thứ 19, các vùng vươn lên. Từ đó, khẳng định cách mạng công nghiệp là một công thức/ một tiềm lực không thể nào thay đổi được, quốc gia nào có công nghiệp hoá hay có cách mạng công nghiệp thì quốc gia đó vượt lên khỏi kinh tế nông nghiệp để trở thành một quốc gia công nghiệp.

Thời gian qua Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói rất nhiều lần về việc Chú ý phát triển khoa học, công nghệ, thay đổi số, cách mạng số,… Đây là chìa khoá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc. Câu nói đó vô cùng đúng và tôi ủng hộ hoàn toàn lý tưởng đó. 

Ngày hôm nay, tôi nghĩ nền báo chí Việt Nam nói chung và Báo Tuổi Trẻ nói riêng làm sao để ủng hộ lý tưởng đó của Tổng Bí thư, đưa khoa học, đưa công nghệ, đưa những kinh nghiệm phát triển của các quốc gia từ Tây sang Đông. Việc chúng ta chưa bay cao thì chúng ta phải thay đổi tư duy. Dù so với 50 năm trước chúng ta đã thay đổi rất xa nhưng như vậy là chưa đủ, chúng ta còn phải tiến lên tiếp tục. Thật ra, xa hay gần là chính chúng ta quyết định, chúng ta thay đổi nhanh hay chậm là chính chúng ta quyết định. 

Ngài Tổng Bí thư Tô Lâm nói rằng “Người ta đang chạy, mình phải đi nhanh chứ đừng đi chậm quá”, thì tôi mong rằng với khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ đi nhanh hơn. Cho nên tôi hy vọng Báo Tuổi trẻ làm sao có một chương trình đồng hành cùng những lý tưởng của ngài Tổng Bí thư thì sẽ rất tốt để tạo ra một không khí học khoa học, khuyến khích thế hệ trẻ đi lên tiền tuyến, xông pha lên, đi đến mặt trận khoa học công nghệ thì đất nước này mới phát triển nhanh.

Các kỹ sư Hàn Quốc trong vòng chưa đầy 20 năm dưới thời Park Chung-hee mà đã thay đổi bộ mặt hoàn toàn, tạo điều kiện để các tổng thống sau tiếp tục chương trình đó, tiếp tục sự nghiệp của ông Park Chung-hee đó, đưa đất nước Hàn Quốc phát triển thành một quốc gia phát triển mạnh và có thu nhập rất cao. Sự phát triển đó là một sự phát triển thần kì, nhờ ai? nhờ đâu? Nhờ công nghiệp hoá. Ông Park Sung ii đã nói “Chúng ta phải tiến hành công nghiệp hóa” và một số lãnh đạo quốc gia khác cũng đã khẳng định như vậy. Cho nên cụm từ CÔNG NGHIỆP HOÁ như một khẩu hiệu chiến đấu vì hạnh phúc, vì sự phồn vinh và an bình của đất nước.

Điểm cuối cùng, tôi rất cảm động với GS. TS Ahn Kyong Hwan – người đã tặng sách cho Trường Cao đẳng Sài Gòn. Tôi nghĩ sách trong lịch sử thế giới là một biểu tượng của tri thức, tri thức là sức mạnh. Không có sách, không có học thì chúng ta sẽ nghèo nàn, chúng ta sẽ lạc hậu. Vì vậy, sách là biểu tượng cho sự khai sáng, sự vươn lên của con người. Ở bên Châu Âu, thư viện của các trường rất đẹp, thư viện tư cũng có, thư viện công cũng có. Thư viện chính là trái tim của một ngôi trường, không có thư viện thì không có tri thức. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn ngài GS.TS Ahn Kyong Hwan.

Hội đồng Khoa học và chiến lược Trường Cao đẳng Sài Gòn 

(Thầy Nguyễn Xuân Xanh đứng thứ 4 bên phải bức hình)

Một lần nữa, Trường Cao đẳng Sài Gòn chân thành cảm ơn Thầy Nguyễn Xuân Xanh vì những chia sẻ quý báu cho các bạn sinh viên. Sự góp mặt của Thầy trong Thành viên Hội đồng Khoa học và chiến lược sẽ giúp cho Nhà trường tạo ra nhiều giá trị khoa học đúng đắn cho các thế hệ trẻ nói chung và cho sinh viên Trường Cao đẳng Sài Gòn nói riêng.

5/5 - (1 bình chọn)